T-1

Text

DẪN NHẬP TỔNG QUÁT CÁC SÁCH LỊCH SỬ 

Các sách Lịch Sử trong Kinh Thánh 

Trong Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo, các sách được gọi là “lịch sử” gồm nhiều nhóm :

a) Giô-suê – Thủ lãnh – Rút – 1 và 2 Sa-mu-en – 1 và 2 Vua

b) 1 và 2 Sử biên niên – Ét-ra – Nơ-khe-mi-a

c) Tô-bi-a – Giu-đi-tha – Ét-te

d) 1 và 2 Ma-ca-bê

a) Trong Kinh Thánh bằng tiếng Híp-ri, nhóm a) (trừ Rút) được gọi là “các ngôn sứ trước”, đối với “các ngôn sứ sau” (I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và 12 ngôn sứ nhỏ). Lý do ngoại tại là truyền thống gán các sách này cho các vị ngôn sứ : Giô-suê, Sa-mu-en và Giê-rê-mi-a. Lý do nội tại là các sách này đều xoáy vào tương quan giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en : sự trung thành và sự bất trung của Ít-ra-en với Giao Ước của Thiên Chúa, có các ngôn sứ thay mặt cho Thiên Chúa không ngừng can thiệp.

Các nhà nghiên cứu thì gọi nhóm này là “lịch sử theo trào lưu đệ nhị luật”, vì được biên soạn theo quan điểm thần học của sách Đệ nhị luật. Quả vậy, các tác giả biên soạn những cuốn sách này đọc lại lịch sử Ít-ra-en từ khi được vào Đất Hứa cho đến khi bị lôi ra khỏi Đất Hứa trong biến cố lưu đày năm 587 tCN, dưới ánh sáng của một chủ đề đã được nêu lên như một “định luật” trong sách Đệ nhị luật : trung thành giữ luật giao ước thì sẽ được sống yên lành trên Đất Hứa, còn nếu bất trung thì sẽ bị trừng phạt (x. Đnl 28) Để đạt được mục đích ấy, các sách này đều dùng những diễn từ theo lối văn, ngôn ngữ và thần học của sách Đệ nhị luật, hoặc đặt vào miệng các nhân vật quan trọng : Giô-suê (Gs 1,11-15 ; 23) ; Sa-mu-en (1 Sm 12) ; Đa-vít (2 Sm 7) ; Sa-lô-môn (1 V 8,14-61), hoặc dưới dạng suy tư của tác giả (như Gs 12 ; Tl 2,11-23 ; 2 V 17, 17-23). Các diễn từ này vừa giải thích quá khứ và hiện tại, vừa mở hướng nhìn về tương lai. Giọng văn bao giờ cũng tha thiết, khuyên lơn như các diễn từ trong sách Đệ nhị luật.

Hai thời điểm quan trọng cho sự hình thành các sách này : biến cố vương quốc Ít-ra-en bị tàn phá và lưu đày năm 721 tCN và biến cố vương quốc Giu-đa chung số phận vào năm 587 tCN.

Biến cố vương quốc phía Bắc bị tàn phá là một lời cảnh cáo cho vương quốc Giu-đa. Với sự khích lệ của ngôn sứ I-sai-a, vua Khít-ki-gia thực hiện một cuộc canh tân tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem. Đây là lúc thành hình phần cốt lõi của sách Đệ nhị luật sẽ được tìm thấy trong Đền Thờ trong cuộc canh tân do vua Giô-si-gia chủ xướng. Các đệ tử của trào lưu đệ nhị luật tiếp tục hoạt động, nhưng triều đại gần nửa thế kỷ của Mơ-na-se và A-môn, hai ông vua phá đạo đã dập tắt mọi tia sáng của thời Khít-ki-gia. Thời vua Giô-si-gia, cuộc canh tân được thúc đẩy mạnh mẽ với ánh sáng của cuốn sách tìm thấy trong Đền Thờ (2 V 22,8-13). Đây là lúc trào lưu suy tư đệ nhị luật có điều kiện thuận lợi nhất. Có lẽ một số các sách nhóm a) được biên soạn để hỗ trợ cuộc canh tân : mời gọi dân Giu-đa nhìn lại quá khứ và nhất là gương của phía Bắc để lo hoán cải, quay về với Thiên Chúa.

Mọi nỗ lực canh tân của Giô-si-gia tan theo cái chết của ông vào năm 609 tCN. Mười hai năm sau tai hoạ mở đầu với cuộc lưu đày của vua Giô-gia-khin (597 tCN) và mười năm sau đó lên tột đỉnh với cuộc tàn phá Giê-ru-sa-lem (587 tCN). Trời như đã sập xuống xứ Giu-đa. Trong “bóng đêm” vẫn tìm được ánh sáng nơi tình thương của Thiên Chúa mà họ từng chiêm ngắm trong Giao Ước : họ giải thích được hiện tại như hiệu quả của sự bất trung trong quá khứ.

Những tâm hồn đạo đức theo tinh thần đệ nhị luật này đã suy niệm lịch sử Ít-ra-en dựa trên những truyền thống, những tài liệu có trước và biên soạn lại qua nhiều giai đoạn. Lần hiệu đính và xuất bản cuối cùng đã được thực hiện sau khi trở về Đất Hứa. Do đó những sách này khá phức tạp khi chúng ta muốn lần ra từng đầu mối của các biến cố và các tài liệu. Nhưng việc đọc các sách này sẽ trở nên đơn giản nếu ta chú tâm vào sứ điệp thần học, vì đó mới là mục đích của tác giả.

Sách Rút kể chuyện bà Rút, một người phụ nữ Mô-áp đã gia nhập dân Ít-ra-en. Bà là vợ của một người Ít-ra-en di cư. Khi chồng chết, vì lòng hiếu thảo bà đã theo mẹ chồng về quê là Bê-lem. Một người giàu có trong dòng tộc nhà chồng đã thi hành luật kế tự, cưới bà làm vợ để gầy dựng dòng dõi cho chồng bà. Thế là do lòng hiếu thảo với mẹ chồng, bà đã giúp cho gia đình nhà chồng khỏi bị tuyệt tự.

Cuốn sách nhỏ này hấp dẫn vì gương hiếu thảo của bà Rút và vì liên quan tới vua Đa-vít : bà Rút trở thành bà cố nội của vua Đa-vít.

Bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Hy-lạp và La-tinh xếp sách này vào ngay sau sách Thủ lãnh, vì chuyện xảy ra vào thời đó (x. 1,1). Trong quy điển Do-thái thì sách này thuộc phần thứ ba và đứng trong bộ năm cuốn sách nhỏ đọc vào các dịp lễ lớn : Diễm ca (lễ Vượt Qua) ; Rút (lễ Ngũ Tuần) ; Ai ca (ngày kỷ niệm đền thờ Giê-ru-sa-lem bị thiêu huỷ) ; Giảng viên (lễ Lều) và Ét-te (lễ Pu-rim).

Nếu hỏi sách Rút được biên soạn khi nào, thì các nhà chuyên môn chia làm hai xu hướng. Một bên dựa vào tính cách bênh vực việc kết hôn với dân ngoại, để xếp vào khoảng năm 400 tCN, là thời kỳ có trào lưu phản kháng những quy định khắt khe của Ét-ra và Nơ-khe-mi-a (x. Er 9 và Nkm 13). Bên kia dựa vào lời văn, các tập tục pháp chế, các tên riêng, để xếp vào một thời kỳ cổ xưa (thời Đa-vít, Sa-lô-môn).

b) Trong bản Kinh Thánh bằng tiếng Híp-ri, nhóm b) này được xếp vào phần thứ ba : “Các tác phẩm” (Kütûbîm).

Nhóm này được biên soạn thời kỳ sau lưu đày, sau khi Đền Thờ và thành Giê-ru-sa-lem được xây dựng lại và xứ Giu-đa được sống yên ổn trong lòng đế quốc Ba-tư. Thời kỳ này xứ Giu-đa sống dưới sự lãnh đạo của hàng tư tế. Đền Thờ và tế tự là trung tâm cuộc sống. Các tư tế cũng đọc lại lịch sử để giải thích và biện minh cho chế độ chính trị thần quyền do họ đứng đầu.

Trước thời lưu đày, Giu-đa là một vương quốc do dòng dõi Đa-vít cai trị. Thiên Chúa đã hứa với Đa-vít rằng dòng dõi ông sẽ mãi mãi ngự trên ngai. Nay mới chỉ tái lập Đền Thờ và tế tự. Còn ngai vàng Đa-vít đâu ? Công trình tái thiết do Ét-ra và Nơ-khe-mi-a lãnh đạo như thế đã hoàn chỉnh chưa ? Giới tư tế tìm ra câu trả lời bằng cách trình bày ông Đa-vít như là người khai sáng lịch sử Ít-ra-en. Đa-vít được trình bày như trung tâm gia phả từ A-đam đến thời hồi hương sau lưu đày. Lịch sử Ít-ra-en như thực sự bắt đầu với cuộc lên ngôi của Đa-vít. Hoạt động chính của Đa-vít là tổ chức hàng tư tế và việc phụng tự đền thờ và chuẩn bị xây Đền Thờ. Sa-lô-môn xây dựng Đền Thờ và khánh thành. Thiên Chúa đã ngự xuống Đền Thờ như xưa đã ngự xuống Nhà Tạm trong hoang địa. Đa-vít và Sa-lô-môn là trung tâm lịch sử đối với tác giả sách Sử biên niên. Cuộc truyền ngôi cho Sa-lô-môn được trình bày theo mô hình Mô-sê trao sứ mạng lại cho Giô-suê (Đnl 31 và Gs 1). Mọi “nếp nhăn” trên chân dung của hai vị vua này được tẩy xoá. Di sản lớn nhất của hai vua này là Đền Thờ và tổ chức phụng tự. Tác giả cho thấy toàn bộ nền phụng tự đang diễn ra ở Đền Thờ đều đúng như Đa-vít và Sa-lô-môn đã thiết lập. Các vua sau Sa-lô-môn đều được đánh giá theo tiêu chuẩn là trung thành với đường lối của Đa-vít. Mọi tai hoạ đều do tội các vua không đi theo đường lối của Đa-vít.

Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ngự và việc phụng tự ở Đền Thờ bảo đảm tương lai cho Ít-ra-en. Như vậy thì tái thiết được Đền Thờ và tái lập được nền phụng tự như Đa-vít và Sa-lô-môn đã thiết lập là đủ cho dân Chúa rồi.

Trong khi sách Sử biên niên biện minh cho chế độ thần quyền thì sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a kể lại công cuộc tái lập cộng đoàn dân Chúa sau lưu đày dưới sự lãnh đạo của tư tế Ét-ra và ông Nơ-khe-mi-a. Đây chính là công cuộc thiết lập Do-thái giáo. Gần một trăm năm sau khi những nhóm hồi hương đầu tiên trở về Giê-ru-sa-lem và xây dựng lại Đền Thờ, tổng đốc Nơ-khe-mi-a xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem, tư tế Ét-ra tuyên đọc “Luật Chúa”. Sau một cuộc thanh lọc giống nòi, dân được phân bổ để tái định cư ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Từ đây Ít-ra-en lại là dân “tách khỏi các dân để gắn bó với Lề Luật của Thiên Chúa” (Nkm 10,29).

Do-thái giáo với tinh thần tách biệt ấy vẫn đang tồn tại trong cộng đồng Do-thái, và lời kết sách Sử biên niên kêu gọi trở về Giê-ru-sa-lem vẫn được người Do-thái giáo coi là lời nói với họ hôm nay.

c) Nhóm thứ ba gồm ba cuốn sách thuộc thể loại khác với hai nhóm trên : thể loại chuyện đạo đức, “mid•räš”, nhằm truyền đạt một sứ điệp tôn giáo và thần học.

Sách Tô-bi-a đan kết số phận của ba con người : Tô-bi-a già, Tô-bi-a con và Xa-ra để nói lên niềm xác tín rằng ai tin vào Chúa và trung thành với Chúa, sẽ được Chúa giải thoát khỏi mọi gian nan. Cuốn sách nhắm vào giới Do-thái lưu lạc : ở đâu cũng có thể thờ phượng Chúa bằng cách tuân giữ Lề Luật và trung thành với giống dòng dân Chúa.

Sách Giu-đi-tha mang cái tên đầy tính biểu tượng “cô gái Giu-đa”. Những chi tiết lịch sử ở đây thuộc loại “râu ông nọ cắm cằm bà kia” : Na-bu-cô-đô-nô-xo vua Ba-by-lon (604-562 tCN) biến thành vua của Át-sua, đóng đô ở Ni-ni-vê, tấn công xứ Giu-đa vừa được vua Ba-tư cho hồi hương và tái định cư ! Bấy nhiêu đủ cho thấy tác giả không có ý kể chuyện lịch sử mà kể một câu chuyện đầy tính châm biếm giới mày râu : Thiên Chúa cứu cả dân tộc nhờ tay một người phụ nữ goá bụa không con (trong xã hội Do-thái, một người phụ nữ goá bụa lại không có con thì chẳng có chút giá trị nào). Bà chẳng có gì ngoài một chút nhan sắc và lòng trông cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa. “Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có” (1 Cr 1,28).

Sách Ét-te là một cuốn sách phức tạp vì bản văn Hy-lạp dài hơn nhiều so với bản Híp-ri (hơn 107 câu). Phần thêm này không có trong quy điển của người Do-thái ; đối với Giáo Hội Công Giáo, vẫn bị tranh luận cho đến Công Đồng Tren-tô mới chính thức quyết định xếp vào quy điển.

Trong Do-thái giáo sách này liên hệ với lễ hội Pu-rim. Nhưng không xác định được là cuốn sách sinh ra lễ hội hay lễ hội sinh ra cuốn sách. Dù sao thì cuốn sách vẫn là một loại “tiểu thuyết có chủ đề đạo đức” : Thiên Chúa đã cứu dân Chúa thoát cảnh diệt vong trong đường tơ kẽ tóc nhờ nhan sắc và gan dạ của một người phụ nữ yếu đuối. Bản Hy-lạp làm nổi bật vai trò của Thiên Chúa bằng cách thêm những lời cầu nguyện, trong khi bản Híp-ri dành vị trí nhiều hơn cho sáng kiến của con người.

d) Nhóm thứ tư gồm hai cuốn sách mang tên Ma-ca-bê. Đây không phải là cuốn một và cuốn hai của cùng một tác phẩm, nhưng là hai cuốn sách khác nhau liên can tới cùng một giai đoạn lịch sử, mỗi cuốn có một chủ đích riêng.

1 Mcb kể lại cuộc nổi dậy của anh em nhà Ma-ca-bê chống lại ách thống trị của vua Sê-lêu-cô IV (175-164 tCN). Họ dành được độc lập và nắm quyền lãnh đạo xứ Giu-đa. Cuốn sách kết thúc với việc Gio-an Hia-can nắm quyền lãnh đạo.

Cuốn sách cho chúng ta hiểu về một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân Do-thái và nhất là của Do-thái giáo. Nhưng chủ đích rõ ràng là biện minh cho việc một dòng họ tư tế nắm quyền trị nước : công lao của anh em nhà Ma-ca-bê trong việc cứu dân cứu đạo đủ để biện minh cho họ. Thiên Chúa phù trì họ trong cuộc chiến đấu tức là Thiên Chúa chấp nhận họ.

2 Mcb là bản tóm lược một bộ sách 5 cuốn viết về lịch sử Do-thái từ khi vua Sê-lêu-cô IV lên ngôi cho đến khi Giu-đa Ma-ca-bê đánh bại quân Xy-ri (180-161 tCN). Cuốn sách này không nhằm bênh vực nhà Ma-ca-bê, mà nhằm truyền đạt một sứ điệp tôn giáo : người Do-thái cũng như người ngoại, hễ coi thường ý muốn của Thiên Chúa thì Thiên Chúa trừng phạt, còn ai tuân hành ý Chúa thì được thưởng. Cuốn sách cực lực chống lại đường lối Hy-lạp hoá và đề cao gương anh dũng của những người thà chết không thà lỗi Luật Chúa. Cuốn sách này cũng đưa mặc khải về sự phục sinh tới đỉnh cao.

Quan niệm về lịch sử trong Sách Thánh

Muốn tìm hiểu các sách Lịch Sử trong bộ Sách Thánh, thiết tưởng nên tìm hiểu chính quan niệm về lịch sử trong Sách Thánh.

Một nhận xét sơ khởi rất có ý nghĩa, đó là trong tiếng Híp-ri không có từ tương đương với các từ thuộc ngôn ngữ phương tây mà ta dịch là lịch sử. Tiếng Do-thái hiện tại cũng chuyển tự từ “historia” để sử dụng ; tuy người ta có tạo một từ gốc Híp-ri : Dib•rê hayämîm có nghĩa là “những sự việc ngày xưa”. Điều này cho thấy không nên áp dụng quan niệm về lịch sử của khoa sử học hiện đại vào việc nghiên cứu các sách Lịch Sử trong Sách Thánh, nhưng phải xem chính Sách Thánh muốn nói gì khi kể lại “những sự việc ngày xưa”.

Nhận xét thứ hai giúp chúng ta suy nghĩ là các sách Lịch Sử từ Giô-suê đến 2 Vua được gọi là “các ngôn sứ trước”. Cách gọi này cho thấy Ít-ra-en xác tín rằng việc đọc lại và giải thích quá khứ của họ cũng là một hoạt động của các ngôn sứ. Trong truyền thống chung của các dân Sê-mít phía Tây thì ngôn sứ là người phê phán giới lãnh đạo và dân chúng về mặt đạo đức và chính trị, xét đoán các biến cố về mặt đạo đức. Truyền thống ngôn sứ của Cựu Ước nằm trong truyền thống chung này. Các ngôn sứ hoạt động ở phía Bắc cũng như ở phía Nam đều lớn tiếng tố cáo Ít-ra-en và Giu-đa, cả vua, quan lẫn dân, về mọi thứ tội phạm đến con người và Thiên Chúa, loan báo cho họ biết sự trừng phạt đang chờ họ cùng với lời hứa ơn cứu độ.

Vào thời lưu đày và hậu lưu đày, trung tâm cái nhìn của Ít-ra-en về quá khứ là cách phê phán chứa trong các công trình sưu tập và biên soạn lời các ngôn sứ. Ngũ Thư sưu tập và sử dụng các câu chuyện và truyền thống cổ xưa để lý giải nguồn gốc dân tộc và luật lệ, nếp sống. Còn sách Ngôn Sứ sưu tập và biên soạn những bài thơ, những lời sấm của các ngôn sứ tố cáo và lên án Ít-ra-en, Giu-đa và các nước chung quanh nhằm lý giải thảm hoạ lưu đày như một sự trừng phạt do Thiên Chúa đưa tới, đồng thời đặt nền tảng cho một viễn tượng tương lai dựa vào lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Viễn tượng ấy là Giê-ru-sa-lem mới, nơi ngự trị của hoà bình và công lý, trong đó dân Chúa sẽ thể hiện được ơn gọi của mình như Thiên Chúa đã dự định và loan báo từ ban đầu.

Trong truyền thống ngôn sứ các dân Sê-mít phía Tây, người ta đều tin rằng thần linh can thiệp vào công việc của con người : kiểm soát các biến cố chính trị, quân sự cũng như việc phụng tự, sự phong nhiêu và các khía cạnh khác thuộc cõi nhân sinh. Thần linh dùng quyền kiểm soát các biến cố để thưởng phạt bầy tôi. Ít-ra-en cũng xác tín về Thiên Chúa như vậy, do đó cách lý giải theo lời các ngôn sứ thuyết phục họ, giúp họ nhận thức được thực tại và hy vọng vào tương lai.

Cùng chia sẻ xác tín này, những người sưu tập và biên soạn “những sự việc ngày xưa” cũng nhắm cùng một mục đích như công trình sưu tập và biên soạn lời các ngôn sứ, chỉ khác chỗ họ sử dụng các câu chuyện và các truyền thống về “những sự việc ngày xưa” để giải nghĩa hiện tại và mở viễn tượng cho tương lai. Có thể nói chính niềm hy vọng về tương lai chi phối sự lựa chọn ký ức về quá khứ. Người viết “những sự việc ngày xưa” trong Sách Thánh không nhằm thoả mãn sự tò mò của chúng ta về quá khứ của Ít-ra-en, nhưng nhằm giúp cho Ít-ra-en nhận thức hiện tại và tương lai theo một cách giải thích thần học. Do đó họ sử dụng những câu chuyện và những truyền thống có sãn chứ không truy tầm, đối chiếu, phê phán các tài liệu theo kiểu các nhà nghiên cứu sử học hiện nay.

Như vậy khi Sách Thánh đưa chúng ta vào “những sự việc ngày xưa” là đưa chúng ta vào cách thức dân Chúa trong Cựu Ước hiểu về ơn gọi và sứ mạng của mình và khám phá sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ của mình. Ngay cả sự trừng phạt cũng là để cứu độ, để thanh luyện và làm cho dân thật sự thành dân của Thiên Chúa theo đúng kế hoạch từ ban đầu, chứ không phải để huỷ diệt. Chính vì thế mà các nhà nghiên cứu thường nói về “lịch sử cứu độ”, “lịch sử thánh”.

\ip Hiểu như thế, các sách Lịch Sử trong Sách Thánh rất gần gũi với chúng ta, vì dẫn chúng ta vào trong mầu nhiệm cứu độ đã được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ, mà tột đỉnh là cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su. Đồng thời các sách này cho chúng ta những mẫu để hiểu chính mình, bởi vì lịch sử đã được cứu độ nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su, Đấng ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế để hoàn tất công trình cứu độ của Người. Chúng ta đang sống trong “ngày hôm nay” của ơn cứu độ. Hôm nay luôn là hợp lực của hôm qua và ngày mai : hôm nay bước đi nhờ chân trụ của kinh nghiệm hôm qua và chân bước của niềm hy vọng về ngày mai.