Chúa Giêsu

Dẫn Nhâp Ngũ Thư

  Ngũ Thư là gì ? 

Ngũ Thư là năm cuốn sách đầu bộ Cựu Ước. Người Do-thái gọi là Luật.

Tên gọi “Ngũ Thư” là do bản dịch Hy-lạp đặt ra (tk II tCN). Tên gọi này phản ánh một thực tế là năm cuốn sách này vẫn được coi như một công trình duy nhất. Ngũ Thư là nền tảng giáo lý của Do-thái giáo và cũng là nền tảng cho các sách khác của toàn bộ Kinh Thánh.

Người Do-thái gọi tên sách theo chữ đầu cuốn sách. Bản dịch Hy-lạp đã đặt tên theo nội dung :

Sáng thế Bürë´šît : Khởi nguyên

Xuất hành wü´llè šümôt : tên (con cái Ít-ra-en)

Lê-vi wayyiqrä´ : (Đức Chúa) gọi

Dân số BümidBar : trong hoang địa

Đệ nhị luật ´ëllè haDDüBärîm : lời (ông Mô-sê)

Ngũ Thư nói gì ?

Đọc lướt qua năm cuốn sách này, chúng ta thấy ngay là có những phần kể chuyện và những văn bản pháp luật chen lẫn nhau hoặc kế tiếp nhau. Đại khái có thể xếp theo những khối lớn :

Sáng thế Kể chuyện 1 – 50

Xuất hành Kể chuyện 1 – 19 ; 24 ; 31 – 34 Luật 20 – 23 ; 25 – 30 ; 35 – 40

Lê-vi Luật 1 – 27

Dân số Luật 1 – 10 ; 18 – 19 ; 27 – 30 ; 34 – 36 Kể chuyện 11 – 17 ; 20 – 26 ; 31 – 33

Đệ nhị luật Luật 1 – 34

Nhìn vào sơ đồ sự kế tiếp giữa các khối kể chuyện và luật trên đây, ta có thể nhận ra một cách sắp xếp đầy ý nghĩa :

Kể chuyện 1 từ tạo dựng đến khi dân Chúa được quy tụ ở núi Xi-nai (St 1,1 – Xh 19)

Luật 1 để sống trong giao ước (Xh 20,1 – Ds 10,10)

Kể chuyện 2 hành trình qua hoang địa tới Đất Hứa (Ds 10,11 – 36,13)

Luật 2 để sống trong Đất Hứa (Đnl 1,1 – 33,29)

Kể chuyện 3 từ khi vào Đất Hứa đến khi bị đuổi ra (Gs – 2 V)

Phần kể chuyện 1 dẫn đến Luật 1, giải thích tại sao có Luật. “Lịch sử” từ tạo dựng đến khi Ít-ra-en được cứu ra khỏi Ai-cập và nhận giao ước Xi-nai, được trình bày như một dòng chảy liên tục. Thiên Chúa tạo dựng con người với lòng yêu thương âu yếm, trao cho con người sứ mạng làm chủ mặt đất. Tội lỗi đã làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa về con người và vũ trụ. Thiên Chúa làm lại bằng cách huỷ diệt và gầy dựng một loài người mới khởi từ ông Nô-ê, người nhận lại lời chúc phúc đã bị tội làm mất (x. St 1,28-30 >> 3,17-19 << 9,1-3). Trong dòng dõi ông Nô-ê bị phân tán vì tội lỗi, Thiên Chúa lại chọn một người là Áp-ram để “nhờ ông, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (12,3).

A-đam – Nô-ê – Áp-ram được nối kết bằng các gia phả để làm nổi bật sự liên tục của loài người và của lịch sử cứu độ. Ông Áp-ram và dòng dõi ông đóng vai trò quan trọng trong lịch sử này. Do đó, câu chuyện về các ông Áp-ram, I-xa-ác, Gia-cóp và các lời hứa của Thiên Chúa trở thành sợi chỉ đỏ nối kết tất cả các câu chuyện và lý giải các luật lệ.

Kho lúa Ai-cập trở thành cái nôi cho dòng dõi ông Áp-ram trở nên “một dân lớn” (St 12,2), “như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22,17).

Đến khi lời hứa này được thực hiện, một cuộc áp bức thúc đẩy họ khao khát ra khỏi cái nôi đã trở thành lò lửa. Thiên Chúa nghe tiếng họ kêu van và sai ông Mô-sê đến cứu họ chỉ vì lời đã hứa với các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Người tự xưng là “Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp” (Xh 3,6). Cuộc giải phóng này hoàn toàn là công trình của Thiên Chúa. Các ông Mô-sê và A-ha-ron chỉ là những người được sai đến nói với Pha-ra-ô những lời Thiên Chúa truyền cho họ nói. Nhưng sự thành công sẽ do quyền năng của Thiên Chúa : “Pha-ra-ô sẽ không nghe các ngươi đâu. Ta sẽ ra tay giáng phạt Ai-cập và sẽ dùng uy quyền mà đưa các binh ngũ của Ta là dân Ta, con cái Ít-ra-en ra khỏi nước Ai-cập” (Xh 7,4).

Khi “con cái Ít-ra-en nhổ trại rời Ram-xết đi Xúc-cốt … cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ …” (Xh 12,37-38). Như vậy, Ít-ra-en thuộc về Chúa vì hai lý do : họ là kết quả của lời Thiên Chúa hứa cho ông Áp-ra-ham và họ là đám nô lệ được Thiên Chúa giải phóng. Nhưng lúc ra khỏi Ai-cập, cả con cái Ít-ra-en và đám đông hỗn tạp chỉ là một đám nô lệ vừa được giải thoát, chưa bao giờ được tự do và độc lập, chưa bao giờ được tự định đoạt tương lai của mình. Ngay cả Thiên Chúa, họ cũng mới chỉ nghe biết qua lời truyền tụng.

Luật 1 : Đây là lúc Thiên Chúa tạo lập họ thành một dân và giáo dục họ để họ sống như dân của Thiên Chúa. Ở Xi-nai, Thiên Chúa công bố Giao Ước, Người nhận họ làm dân của Người và mời gọi họ nhận Người là Chúa của họ. Người ban cho họ Luật của Giao Ước. Luật dạy họ sống tương quan với Thiên Chúa, với nhau và với các thụ tạo khác. Nền tảng mọi tương quan của họ là tương quan với Thiên Chúa, nên luật về phụng tự chiếm một phần chủ yếu.

Phần kể chuyện 2 : Cuộc hành trình 40 năm là thời gian huấn luyện và thử thách, như sách Đệ nhị luật nhận định : “Thiên Chúa của anh em đã dẫn anh em đi suốt 40 năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực ; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không … Suy nghĩ lại, anh em phải nhận biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, giáo dục anh em như một người giáo dục con mình” (Đnl 8,2.5).

Khi đến bờ Đất Hứa, ông Mô-sê hoàn tất sứ mạng của mình bằng việc phân chia đất đai.

Luật 2 : Sau đó, ông dạy dỗ dân Chúa lần cuối cùng bằng cách “đọc lại” cuộc hành trình để nhận ra tình thương, sự hiện diện và kế hoạch của Thiên Chúa ; rồi dựa trên đó khuyến khích dân tuân giữ Giao Ước khi sống trong Đất Hứa. Ông công bố lại Luật Giao Ước và vạch cho dân thấy tương lai của họ tuỳ thuộc ở việc họ có trung thành với Giao Ước hay không. Đất họ sắp vào là đất của Chúa. Họ chỉ được ở đó, nếu họ sống làm dân của Chúa, trung thành với Giao Ước.

Phần kể chuyện 3 : Nếu đọc tiếp phần kể chuyện từ sách Giô-suê đến 2 Vua, nghĩa là từ khi Dân Chúa chiếm lãnh Đất Hứa cho đến khi bị đuổi ra khỏi Đất Hứa, ta lại thấy những lời ngăm đe của sách Đệ nhị luật đã trở thành sự thật (x. Đnl 28,15-68 ; 29,21-27 ; 32,1-38) : vì không trung thành giữ Giao Ước, không sống làm dân của Thiên Chúa, họ bị đuổi ra khỏi Đất của Người. Phần kể chuyện này xác nhận và củng cố giá trị của Giao Ước.

Cấu trúc của Ngũ Thư

Đọc như trên, ta thấy Ngũ Thư kết thành một câu chuyện có diễn biến liên tục về lịch sử của một dân tộc và một đất nước. Tác nhân chính tạo lập dân tộc và đất nước này là Thiên Chúa. Câu chuyện gồm ba giai đoạn :

  1. Giai đoạn chuẩn bị (sách Sáng thế)

Nguồn gốc của dân tộc này nối liền với nguồn gốc của loài người. Ông Áp-ram đứng lên và ra đi theo lời mời gọi của Thiên Chúa : đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu và lịch sử hình thành của một dân tộc. Các ông Áp-ram, I-xa-ác và Gia-cóp là những kẻ ngụ cư trên miền đất Thiên Chúa hứa. Nó vẫn còn là đất của các dân tộc khác, chỉ có nắm xương tàn của các vị tổ phụ nằm dưới lòng đất ấy như bảo chứng rằng đất này thuộc về con cháu họ. Sách Sáng thế kết thúc với hai cái chết : ông Gia-cóp được mai táng ở đất Ca-na-an ; ông Giu-se nhắm mắt sau khi đã yêu cầu các anh em thề sẽ đem hài cốt ông lên khỏi Ai-cập khi Thiên Chúa thăm viếng họ. Xác ông được ướp và đặt trong quan tài (không nói đến mai táng !) chờ ngày được đưa lên mai táng trong phần mộ tổ tiên ở Ca-na-an.

Như vậy, giai đoạn chuẩn bị kết thúc với viễn tượng con cháu ông Gia-cóp sẽ rời Ai-cập lên đất Ca-na-an : ông tổ đã sinh ra họ ở Ca-na-an về đó nằm trước, còn ông tổ đã nuôi sống họ ở Ai-cập nằm trong quan tài chờ ngày cùng đi lên.

  1. Hành trình về Đất Hứa (Xh – Lv – Ds)

Khi con cái Ít-ra-en đã trở nên đông đúc nhờ kho lúa Ai-cập, Thiên Chúa can thiệp để làm cho họ thành một dân tộc có đất nước riêng. Ông Áp-ram đã nghe lời Thiên Chúa mời gọi, từ bỏ sự an toàn của gia tộc, quê hương để đi tới nơi Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông. Thiên Chúa đã chỉ cho ông và ông đã đi từ Bắc chí Nam rồi chết như một kẻ ngụ cư trên đất ấy. Bây giờ, dòng dõi đông đúc của ông lại phải rời bỏ sự an toàn của “thúng bánh, nồi thịt” và nước sông Nin để lên đường đi tới miền Đất Hứa.

Từ trong lò lửa của sự áp bức, họ kêu lên Thiên Chúa. Thiên Chúa sai các ông Mô-sê và A-ha-ron đến nói với họ và nói với Pha-ra-ô để họ ra đi. Hai sứ giả phải vật lộn với cả phía Pha-ra-ô và phía Ít-ra-en. Lời giải thoát cho Ít-ra-en thành lời tai hoạ cho Ai-cập vì Pha-ra-ô không để Ít-ra-en đi. Cuối cùng cánh tay mạnh mẽ của Thiên Chúa cưỡng bức được Pha-ra-ô phải cho Ít-ra-en đi. Khi đã vượt qua được Biển Sậy và thoát khỏi sự truy đuổi của Pha-ra-ô, Ít-ra-en mới nhận biết Thiên Chúa của họ mạnh mẽ thế nào, và chính là Người đã cứu họ chứ không ai khác.

Chính cuộc lên đường rời khỏi nơi an toàn và cuộc hành trình hướng về tương lai mới làm cho họ ý thức về mình là một dân tộc cùng đi tìm sự sống và tự do. Những khó khăn, gian khổ vừa thử thách, vừa tôi luyện họ để họ gắn bó với nhau. Tuy sự gắn bó ấy có khi dị nghĩa : họ gắn bó với nhau để tiến, nhưng họ cũng gắn bó với nhau để lùi khi muốn đầu hàng gian khổ. Nhưng chính những bước thăng trầm ấy càng ngày càng giúp họ ý thức về mình và nhận biết Đấng đã giải thoát họ và đang dẫn họ đi. Thiên Chúa giáo dục họ như một người cha (x. Đnl 8,2.5).

Tại núi Xi-nai, Thiên Chúa củng cố và kiện toàn công trình của Người. Người cho họ một nền tảng để gắn bó với nhau. Từ nay, họ không chỉ là một đám người liên đới với nhau vì đã cùng trải qua cơn nước lửa và cùng được giải thoát, cùng chia sẻ một định mệnh. Họ là dân của Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa dẫn đi. Họ có luật lệ do chính Thiên Chúa truyền ban. Họ có một tương lai do chính Thiên Chúa bảo đảm.

Chỉ cần nâng Sách Thánh lên và ướm thử độ dày của phần Ngũ Thư, rồi lấy hai ngón tay cầm những trang từ Xh 19 đến Ds 11, ta thấy ngay đó là 1/3 của Ngũ Thư, chia đều phần trước và phần sau. Thực tế khối lượng này cho thấy vị trí trung tâm và tính cách quyết định của Giao Ước Xi-nai và Luật Giao Ước. Suốt Ngũ Thư, từ lời hứa cho Áp-ram đến việc chuẩn bị phân chia đất Ca-na-an khi dân còn ở đồng bằng Mô-áp và những lời trăng trối của ông Mô-sê, chúng ta thấy việc chiếm lãnh Đất Hứa không có gì khó khăn, vì Thiên Chúa sẽ trao đất ấy vào tay họ. Người sẽ xua đuổi các dân theo nhịp bước chân họ đi tới. Thậm chí Thiên Chúa còn tính toán không xua đuổi ngay một lúc kẻo đất trở nên hoang vu và dã thú chiếm đất trước khi dân Chúa kịp sử dụng ! (Đnl 7,22). Thế nhưng việc lãnh nhận và sống Luật Giao Ước mới thật là vấn đề gai góc và cần thời gian lâu dài. Thiên Chúa muốn lập dân trước khi lập nước. Đất của Chúa thì Chúa muốn trao lúc nào cũng được, nhưng phải có dân của Chúa để lãnh nhận đất của Chúa.

Giai đoạn chuẩn bị là thời gian Thiên Chúa tạo nên một nòi giống ; còn cuộc hành trình là thời gian Thiên Chúa lập thành một dân.

  1. Chuẩn bị tinh thần để sống trong Đất Hứa (Đnl)

Sách Dân số kết thúc với việc phân chia phần đất đã chiếm được và chỉ định trọng tài để phân chia phần đất sắp chiếm lãnh. Tưởng như thế là xong và ta chờ đọc câu chuyện về chiếm lãnh đất Ca-na-an. Nhưng những lời di chúc của ông Mô-sê đột vang lên như trái banh nảy dội lần cuối, thoát tay thủ môn và chạm vào tấm lưới phía sau khung thành. Ông Mô-sê chiêm ngắm tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa bằng cách đọc lại cuộc hành trình từ Ai-cập tới đồng bằng Mô-áp và nhìn vào Đất Hứa trải dài trước mặt. Được làm dân của Chúa, được Chúa ban Lề Luật và sắp được vào Đất Hứa : tất cả là ân huệ của Thiên Chúa. Phải trân trọng đón nhận với lòng yêu mến và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách trung thành sống làm dân của Chúa, thực thi mọi điều Chúa truyền. Họ được vào sống trong đất của Chúa vì Chúa đã chọn họ làm dân của Chúa chứ không phải vì công trạng hay nhờ sức lực của họ. Điều kiện duy nhất để được ở mãi trong Đất Hứa là sống làm dân của Chúa bằng cách thực thi Lời Chúa. Những lời dặn dò như gói lấy Luật Chúa và trao vào tay dân trong một cuốn sách để họ đem theo khi tiến vào Đất Hứa.

Đọc như thế, ta thấy biến cố xuất hành và giao ước Xi-nai là trung tâm của Ngũ Thư. Khi Thiên Chúa đã chuẩn bị lâu dài và lập thành dân Chúa thì việc vào Đất Hứa là điều tất yếu. Ngũ Thư luôn khẳng định Thiên Chúa sẽ trao đất vào tay dân, sẽ dẫn họ vào mà không có vẻ bận tâm về chuyện vào cách nào. Điều duy nhất phải bận tâm là sống thế nào cho xứng dân của Chúa. Ngay trong cuộc hành trình đã thấy những sự phản bội, nhưng Thiên Chúa luôn sửa trị để giáo dục, huấn luyện, chứ không tiêu diệt. Nói với những người đang sống trong Đất Hứa thì bấy nhiêu đã đủ.

Câu chuyện vào Đất Hứa, cuộc sống trong Đất Hứa và việc bị đuổi ra khỏi Đất Hứa chỉ là để minh hoạ cho nguyên lý căn bản : được vào Đất Hứa vì là dân của Chúa ; muốn ở trong Đất Hứa phải sống làm dân của Chúa, nếu không làm dân của Chúa sẽ bị đuổi ra (Giô-suê, Thủ lãnh, 1-2 Sa-mu-en, 1-2 Vua). Như vậy, Đnl đóng vai trò mắt xích nối Ngũ Thư với các sách sử của trào lưu Đnl. Các sách khác của Cựu Ước cũng đều quy chiếu vào Ngũ Thư.

Trong văn mạch lớn này, câu chuyện tạo dựng con người và vườn địa đàng trở thành khúc dạo đầu và dụ ngôn về lịch sử Ít-ra-en, và cùng với lịch sử Ít-ra-en, trở thành dụ ngôn về ơn cứu độ. Sách Khải huyền, cuốn sách cuối cùng trong bộ Tân Ước, đã tổng hợp một cách tuyệt vời tất cả những biến cố của Cựu Ước, biến thành biểu tượng của sự hoàn tất ơn cứu độ với trời mới đất mới và Giê-ru-sa-lem từ trời xuống.

Nguồn gốc Ngũ Thư

Nói đến nguồn gốc Ngũ Thư là phải nói đến lịch sử việc nghiên cứu Ngũ Thư.

  1. Truyền thống lâu đờicủa Do-thái giáo cũng như Ki-tô giáo vẫn coi ông Mô-sê là tác giả Ngũ Thư. Tuy nhiên, chẳng có chỗ nào trong sách khẳng định điều này, mặc dù có đôi chỗ nói đến việc ông Mô-sê ghi chép (x. Xh 24,4 ; 19,14). Lý do cũng dễ hiểu. Trong các sách Cựu Ước chỉ có sách Huấn ca cho ta biết tác giả thật (50,30) ; các sách khác đều không đề tên tác giả hoặc mượn danh một nhân vật nổi tiếng, như sách Giảng viên, sách Khôn ngoan, Diễm ca, Châm ngôn đều mượn danh Sa-lô-môn, người nổi tiếng là khôn ngoan thông thái. Trong khi đó, ông Mô-sê là khuôn mặt gắn liền với các truyền thống về lịch sử thành lập và pháp chế của Ít-ra-en, đến nỗi việc các nhà “lập pháp” của Ít-ra-en gán mọi luật lệ cho ông Mô-sê và cả bộ Ngũ Thư cho ông Mô-sê để có uy tín, cũng như việc Ít-ra-en dễ dàng chấp nhận truyền thuyết ấy là đương nhiên. Ki-tô giáo kế thừa Ngũ Thư từ Do-thái giáo nên cũng kế thừa cả truyền thuyết về tác giả.
  2. Bước đầu đặt lại vấn đề

Nửa cuối tk XVII, một số nhà nghiên cứu (như Spinoza, Hobbes) đã chú ý tới những dấu hiệu ngay trong bản văn cho thấy Ngũ Thư không thể là công trình của chính ông Mô-sê, nhưng là công trình được biên soạn của người đời sau. Chẳng hạn câu đầu sách Đệ nhị luật : “Ở bên kia sông Gio-đan” ; hay câu “bấy giờ dân Ca-na-an còn sống trên xứ sở” giả thiết người viết đang sống ở Đất Hứa, “bên này sông Gio-đan” và ở một thời lâu sau. Linh mục Richard Simon trong cuốn “Histoire critique du Vieux Testament (Lịch sử Cựu Ước có phê phán) xuất bản năm 1678, nhìn nhận vai trò của ông Mô-sê, nhưng gợi ý rằng bộ Ngũ Thư hiện dùng không phải do ông Mô-sê viết, nhưng là công trình của các kinh sư thời ông Ét-ra (tk V tCN).

  1. Những nỗ lực giải thích

Các nhà nghiên cứu sau đó càng ngày càng thấy rõ Ngũ Thư không thể là công trình của một người, do những khác biệt về lời văn, những chỗ lặp lại, nhất là trong các bản văn về luật lệ, những lộn xộn trong các trình thuật. Họ cố gắng tìm một cách giải thích hiện tượng này.

Richard Simon đã chú ý đến những dị biệt giữa các luật về cùng một vấn đề và giải thích bằng hoạt động của những người có chức năng phục vụ công việc biên soạn luật pháp của Ít-ra-en vào thời Ét-ra. Khoảng giữa tk V tCN, ông Ét-ra được vua Ba-tư phái về xứ Giu-đa để thanh tra và chấn chỉnh đời sống của dân cư ở đây theo đúng Luật của Thiên Chúa (x. Er 7 – 8). Ông đem theo cả một nhóm chuyên gia và một sách Luật Mô-sê để thực hiện sứ mạng này. Họ là những người đã hoàn chỉnh công trình biên soạn bộ Ngũ Thư hiện nay, dựa vào những truyền thống có từ thời trước ông Mô-sê, thời ông Mô-sê và sau ông Mô-sê.

  1. Thuyết bốn nguồn tài liệu

Suốt tk XVIII – XIX, các nhà nghiên cứu tìm ra nhiều tiêu chuẩn khác để phân biệt những nguồn, những truyền thống khác nhau đã được kết hợp trong Ngũ Thư ; chẳng hạn cách gọi Thiên Chúa là Gia-vê, Ê-lô-him, các quan niệm về Thiên Chúa, về vai trò của các nhân vật như Mô-sê, A-ha-ron ; các đặc tính văn chương, tư tưởng. Đến cuối tk XIX, một lý thuyết đạt được sự nhất trí của số đông các nhà nghiên cứu là thuyết bốn nguồn tài liệu. Theo thuyết này, Ngũ Thư là công trình sưu tập bốn nguồn tài liệu khác nhau về thời đại và nguồn gốc, nhưng tất cả đều sau thời ông Mô-sê. Trước hết là hai công trình kể chuyện về nguồn gốc vũ trụ và Ít-ra-en : một được biên soạn ở phía Nam vào tk IX tCN, gọi Thiên Chúa là Gia-vê (ký hiệu J), một được biên soạn ở phía Bắc sau cuộc ly khai Nam-Bắc, gọi Thiên Chúa là Ê-lô-him (ký hiệu E). Sau khi vương quốc phía Bắc bị tàn phá, hai tài liệu này đã được đúc chung với nhau (JE). Đến thời cải cách của vua Giô-si-gia-hu, tk VII tCN lại có thêm công trình Đệ Nhị Luật (D) được phối hợp vào đó (JED), rồi sau thời lưu đày thêm một công trình có nguồn gốc tư tế (P) gồm luật lệ và một số trình thuật. Công trình này dùng làm khung cho lần biên soạn cuối cùng của Ngũ Thư (JEDP).

Sự say mê với những thành quả của thuyết bốn nguồn tài liệu có khi làm người ta quên tính cách giả thuyết của nó, trong khi một số tác phẩm nhằm phổ biến cho công chúng lại quá giản lược giả thuyết này.

Nửa đầu tk XX, những khám phá của ngành khảo cổ và các công trình nghiên cứu về văn chương của các dân tộc vùng Cận Đông giúp người ta thấy rõ hơn tính đa phức của các truyền thống văn chương trong quá trình hình thành các bản văn Sách Thánh, đặc biệt là vai trò của truyền khẩu. Điều này khiến người ta không thể xác định nổi các giai đoạn trước khi công trình biên soạn cuối cùng ra đời. Chính khi vận dụng lý thuyết bốn nguồn tài liệu, các nhà nghiên cứu lại phát hiện trong các mảng đã được xếp loại J, E, D, P lại gồm nhiều lớp khác nhau. Họ cũng đi tới những kết luận rất khác nhau hoặc đối nghịch về niên đại của từng mảng.

Những công trình nghiên cứu của ba thập niên 50, 60, 70 đã đưa thuyết bốn nguồn tài liệu trở về vị trí của nó là một trong nhiều giả thuyết để giải nghĩa quá trình hình thành của Ngũ Thư, đã được điều chỉnh nhiều mặt ; thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu bỏ hẳn giả thuyết này để thay thế bằng những cách giải thích rất khác biệt nhau. Những người còn sử dụng giả thuyết này không nói đến bốn nguồn tài liệu nữa mà nói đến bốn dòng truyền thống xuất phát từ những khu vực địa dư và những trào lưu thần học khác nhau : Nam (Gia-vít) – Bắc (Ê-lô-hít), Đệ Nhị Luật (D) và Tư Tế (P). Bốn dòng truyền thống này xuất hiện ở những thời điểm khác nhau và phát triển trong những khoảng thời gian dài, có khi nhiều thế kỷ, trước khi công trình biên soạn cuối cùng của Ngũ Thư được thực hiện. Mỗi dòng truyền thống chuyển tải nhiều chất liệu thuộc lịch sử và luật lệ với những trọng điểm, những quan niệm thần học và những cách diễn tả riêng khiến người ta có thể nhận dạng được. Giả thuyết này giúp lý giải những đoạn trùng lắp, những chỗ lặp lại và những điểm bất đồng ; chẳng hạn, hai trình thuật về tạo dựng, St 1 – 2,4a và 2,4b – 3,24 ; hai bản Mười Điều Răn, Xh 20,1-7 và Đnl 5,6-21.

Tuy nhiên, trong khi dòng truyền thống Đệ Nhị Luật hiện rõ trong sách Đệ nhị luật, những yếu tố thuộc dòng truyền thống Tư Tế có thể được nhận diện tương đối dễ dàng, thì phần còn lại thường quyện vào nhau, khó phân định hơn và yếu tố J thường trội hơn. Hiện tượng này có thể giải thích do việc truyền thống phía Bắc (E) sớm đúc lại với truyền thống phía Nam (J) sau khi vương quốc phía Bắc bị tàn phá và vương quốc phía Nam còn tồn tại thêm được 130 năm nữa. Nhưng vấn đề hai dòng truyền thống ấy đã hoà nhập vào nhau thế nào và đã đi vào Ngũ Thư làm sao, thì chỉ có thể dự đoán khi phân tích bản văn, chứ không có bằng chứng ngoại tại nào.

  1. Một hướng nghiên cứu khác : Truy tìm các thể loại (hoặc đơn vị văn chương) và lịch sử lưu truyền (hoặc biên soạn)

Đầu tk XX, khi thuyết 4 nguồn tài liệu đạt được sự đồng ý của số đông các nhà nghiên cứu, thì một hướng nghiên cứu mới lại mở ra do công trình của Hermann Gunkel (1852-1932). Các tài liệu được biên soạn (theo thuyết 4 nguồn) đều dựa vào những đơn vị văn chương có trước, do đó phải đi ngược dòng xa hơn, lên tận đầu nguồn : truy tìm những đơn vị văn chương nhỏ hơn đã xuất hiện trong sinh hoạt xã hội và tôn giáo, đồng thời tìm xem trong quá trình lưu truyền, các đơn vị văn chương ấy đã biến đổi, hội nhập vào những công trình biên soạn lớn hơn như thế nào.

Giả thuyết nền tảng của hướng nghiên cứu này là trong đời sống xã hội, sự truyền thông tuân theo những quy luật giúp nhận ra người ta muốn nói gì. Trong văn chương bình dân của dân tộc ta, cũng có nhiều thể loại : vè, ca dao, tục ngữ, câu đố, câu ví, câu hò, lời ru, chuyện cổ tích, chuyện cười, đồng dao … Các đơn vị văn chương này phát sinh trong những bối cảnh nhất định và được truyền miệng nhiều thế kỷ trước khi được ghi chép. Trong quá trình ấy, các đơn vị này lại biến chuyển tuỳ theo người kể và bối cảnh. Cho đến khi được ghi chép, hình thức của chúng mới nên cố định.

Muốn tìm hiểu các bản văn của Ngũ Thư theo phương pháp này, trước hết phải xác định giới hạn của một đơn vị, rồi xác định xem : nó thuộc thể loại nào (ca vịnh, luật, huyền thoại, lịch sử …) ; bối cảnh phát sinh của nó (ca tụng tống tiễn anh hùng, phụng vụ đền thờ …) ; nó đóng vai trò gì trong trình thuật hoặc đoạn văn hiện có.

Người ta không ngừng ở một giai đoạn, nhưng muốn tìm lại cả lịch sử lưu truyền và biên soạn của mỗi đơn vị văn chương, qua các giai đoạn khác nhau. Việc này giúp ta hiểu rõ hơn bối cảnh lịch sử của Ít-ra-en ở những giai đoạn khác nhau, bởi lẽ những biến đổi của một đơn vị văn chương trong lịch sử lưu truyền của nó phản ánh bối cảnh lịch sử.

Phương pháp này đòi hỏi quá nhiều khả năng chuyên môn. Và khi tới mức nào đó, nó có thể xé nát bộ sách. Tuy nhiên, nó đã được vận dụng rất nhiều trong tk XX và đã đóng góp nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử và luật lệ của Ít-ra-en trong Ngũ Thư.

  1. Kết luận hiện nay về nguồn gốc Ngũ Thư

Thành quả ba thế kỷ nghiên cứu đã soi sáng cho chúng ta khá nhiều về nguồn gốc của Ngũ Thư, dù chắc chắn sẽ còn những khám phá mới.

Ông Mô-sê có vai trò không thể chối cãi trong việc khai sáng niềm tin của Ít-ra-en. Cuộc sống theo niềm tin ấy được bảo tồn và phát triển qua các thế hệ, nhờ các ngôn sứ và các kinh sư, mặc dù đôi khi có căng thẳng giữa ngôn sứ và kinh sư, như có thể thấy trong Gr 2,8 ; 8,8-9.

Cuốn sách đã tìm thấy trong đền thờ và dùng làm nền cho cuộc cải cách thời vua Giô-si-gia là phần cốt lõi của sách Đệ nhị luật hiện nay. Biến cố và cuộc sống thời lưu đày Ba-by-lon vừa là xúc tác, vừa là bối cảnh cho trào lưu suy tư theo hướng của sách Đệ nhị luật. Người ta suy tư về Luật Giao Ước và đọc lại lịch sử từ ông Áp-ra-ham đến ông Mô-sê và giao ước Xi-nai, từ khi dân vào Đất Hứa (sách Giô-suê) cho đến khi bị lôi ra khỏi Đất Hứa (sách 2 Vua). Cuốn sách thời vua Giô-si-gia được triển khai rộng hơn để dẫn vào việc đọc lại lịch sử của dân Chúa và chuẩn bị cho ngày trở về Đất Hứa. Công trình này được thực hiện trong tk VI tCN, sau biến cố lưu đày. Người ta có thể nhận ra nhiều biến cố trong Xh phản ánh lịch sử tôn giáo của vương quốc Ít-ra-en.

Sách Đệ nhị luật đã tự coi là chuẩn mực : không được thêm bớt (4,2) và phải đem đọc trong các dịp lễ đặc biệt cho toàn dân nghe (31,10-13.36).

Cũng trong thời lưu đày, Ed 40 – 48 cho thấy hoặc mở đường cho niềm hy vọng khôi phục đền thờ và tế tự. Giới tư tế cũng đọc lại lịch sử theo quan điểm phụng tự từ tạo dựng cho đến khi Lều Hội Ngộ được đưa vào Đất Hứa, dựng ở Si-lô (x. Gs 18 – 19). Đồng thời họ sưu tập luật tế tự chuẩn bị cho sinh hoạt ở đền thờ mới. Công trình này được thực hiện từ biến cố lưu đày cho đến khi đền thờ mới được hoàn thành năm 515 tCN.

Trong hoàn cảnh nào hai công trình này (D và P) đã được phối hiệp với nhau : vấn đề này khó xác định. Tuy nhiên qua việc phân tích sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a, có thể xác định rằng Ngũ Thư hiện nay đã được hoàn chỉnh vào nửa cuối tk V (458-400) tCN. Chính sách chung của đế quốc Ba Tư là để cho mỗi cộng đồng dân cư sống theo luật lệ của mình, thờ thần của mình. Những cộng đồng dân cư quy tụ quanh một đền thờ được khuyến khích đặc biệt. Từ khi dân Do-thái được hồi hương, họ đã được phép xây lại đền thờ và sống theo luật Mô-sê. Phụng tự đền thờ trở thành trọng tâm của cuộc sống mới trong Đất Hứa. Vào nửa cuối tk V, trong một giai đoạn củng cố hoà bình và trị an, vua Ba Tư đã sai tư tế Ét-ra từ Ba-by-lon trở về Giê-ru-sa-lem cùng với một đoàn tư tế và kinh sư (chuyên gia luật pháp và tế tự), với sứ mạng thanh tra và ổn định pháp chế của cộng đồng Do-thái ở xứ Giu-đê “theo luật của Thiên Chúa” (x. Er 7 – 8). Ông Ét-ra triệu tập đại hội toàn dân rồi đọc và giải thích “sách Luật Mô-sê”.

Khi phân tích các điểm quy chiếu về Luật và thực hành trong sách Er – Nkm, ta nhận ra Đnl 12 – 26 và luật thuộc truyền thống tư tế. Như vậy, chính các kinh sư thuộc truyền thống tư tế đã làm công việc phối hợp D với P. Công việc biên soạn này có vẻ kéo dài mấy thập niên sau sứ mạng ông Ét-ra.

“Vết” nối giữa D và P hiện rõ nhất ở cái chết của ông Mô-sê và việc trao sứ mạng cho ông Giô-suê khi đối chiếu Ds 27,12-14.15-23 với Đnl 32,48-52 và 34,1.7-9 : ở Ds 27,12-14 Thiên Chúa đã truyền ông Mô-sê lên núi và chết ở đó. Rồi Đnl 32,48-52 lặp lại và Đnl 34,1.7-9 mới kể cái chết và việc than khóc ông Mô-sê.

Công trình biên soạn và “ấn hành” thời ông Ét-ra đã làm cho Ngũ Thư trở thành “hiến pháp” của Dân Chúa. Khối lượng và vị trí trung tâm của luật tế tự trong Ngũ Thư phản ánh tình trạng cộng đồng Do-thái ở giai đoạn biên soạn cuối cùng, là cộng đồng lấy đền thờ làm trung tâm giống như nhiều cộng đồng khác trong đế quốc Ba Tư. Luật được lồng vào khung lịch sử, bởi vì lịch sử cho thấy căn tính của dân Chúa, luật là những chỉ dẫn để thể hiện căn tính. Lịch sử còn giúp họ thấy sự liên tục giữa hiện tại với quá khứ. Ý thức về sự liên tục này không chỉ là niềm tự hào, nhưng còn là một nhu cầu thiết yếu đối với cộng đồng dân Chúa sau thời lưu đày để giúp họ giữ vững căn tính và niềm tin.

  1. Những phương pháp nghiên cứu mới

Sự phát triển của khoa ngữ học trong tk XX đã cung cấp những phương pháp mới giúp đọc Ngũ Thư. Phản ứng lại các phương pháp phân tích nguồn tài liệu và đơn vị văn chương, người ta muốn đọc Ngũ Thư như một tác phẩm văn chương toàn bộ với những quy luật của một hiện tượng văn học.

Theo cách nhìn này, người ta xem xét bản văn như hiện có, và có thể phân tích theo nghệ thuật hùng biện, tức là nghệ thuật thuyết phục bằng lời nói ; phân tích theo nghệ thuật kể chuyện ; phân tích theo hiệu nghĩa học, tức là theo cơ cấu ngôn ngữ của bản văn.

Ngoài ra, từ vài chục năm nay, người ta còn chú tâm đến tính cách toàn bộ của quy điển. Mỗi bản văn phải được đọc trong toàn bộ Sách Thánh, tức là trong kế hoạch duy nhất của Thiên Chúa, để có thể hiện tại hoá Sách Thánh cho thời đại hôm nay. Đồng thời với nhận thức này, người ta cũng lưu ý tới truyền thống chú giải của Do-thái giáo, bởi lẽ Cựu Ước như chúng ta hiện có đã hình thành trong Do-thái giáo suốt 5 thế kỷ trước Ki-tô giáo. Chính Đức Giê-su và các tông đồ là người Do-thái, đã học và đọc Sách Thánh Cựu Ước theo truyền thống Do-thái giáo, trước khi đọc lại dưới ánh sáng mầu nhiệm phục sinh.

Cũng trong mấy thập niên cuối tk XX này, sự tiến bộ của các khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp nhiều cách tiếp cận mới, giúp cho việc nghiên cứu Sách Thánh nói chung và Ngũ Thư nói riêng thêm phong phú (Năm 1993, Uỷ Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh đã công bố một văn kiện tổng kết hiện tình việc chú giải Sách Thánh, điểm lại các phương pháp nghiên cứu và đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn (x. La documentation catholique, s.2085, ngày 2-1-1994, tr. 13-44).

Vị trí của ông Mô-sê và Ngũ Thư trong Sách Thánh Do-thái

Ngay trong Ngũ Thư, những lời cuối cùng của sách Đệ nhị luật cho chúng ta thấy ông Mô-sê được coi là vị ngôn sứ lớn nhất ; trong các ngôn sứ đến sau, không ai có thể sánh với ông, vì ông là người gần Thiên Chúa hơn cả và đã được sai đi làm những việc vĩ đại hơn cả (Đnl 34,10-12).

Những lời đầu tiên trong sách Giô-suê nêu mối tương quan cho phép ta so sánh ông Giô-suê với ông Mô-sê : ông Giô-suê là người tiếp nối công trình của ông Mô-sê và Thiên Chúa ở với ông như đã ở với Mô-sê. Tuy nhiên, ông Mô-sê là “tôi tớ của Đức Chúa”, còn ông Giô-suê là “người giúp việc cho ông Mô-sê”, và trong khi tiếp tục công việc đưa dân vào chiếm lãnh Đất Hứa, ông Giô-suê phải “hành động theo đúng luật Mô-sê đã truyền, phải luôn giữ sách Luật Mô-sê bên mình và nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.” Đó là điều kiện để thành công (x. Gs 1,1-8).

Rồi sách ngôn sứ cuối cùng lại kết thúc với lời nhắc bảo : “Các ngươi hãy ghi nhớ Luật Mô-sê, tôi tớ của Ta. Trên núi Khô-rếp, Ta đã truyền cho nó các chỉ thị và phán quyết để toàn thể Ít-ra-en thi hành” (Ml 3,22).

Lời mở đầu bộ sách “Các ngôn sứ trước” và lời kết bộ sách “các ngôn sứ sau” đều quy chiếu về Luật Mô-sê. Như vậy, toàn thể các ngôn sứ đều hướng về Luật Mô-sê và dựa vào đó mà rao giảng.

Sách đầu tiên trong phần thứ ba của Cựu Ước Do-thái (các sách khác) là sách Thánh vịnh. Thánh vịnh 1 lấy việc suy niệm Luật Chúa làm tiêu chí phân biệt người công chính và kẻ tội lỗi và hứa cho người công chính được thành công trong mọi việc.

Sách cuối cùng của phần này là 2 Sb lại kết luận bằng cách nêu lên việc ứng nghiệm lời Đức Chúa đã phán qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a và lời kêu gọi dân Chúa đi lên để xây lại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. “Đi lên” là kiểu nói đặc biệt của người Do-thái để chỉ cuộc xuất hành và hồi hương (ngay trong tiếng Do-thái hiện đại, khi nói trống “đi lên”, hiểu là về đất Ít-ra-en và “đi xuống” là ra khỏi đất Ít-ra-en). Ngũ Thư không nói về Giê-ru-sa-lem, nhưng nói về một nơi thờ phượng do Thiên Chúa chọn ở trong Đất Hứa (x. Xh 25 – 31 ; 34 – 40 ; Đnl 12).

Sách Er – Nkm, nói rõ là “đi lên Giê-ru-sa-lem” và sau khi xây lại Đền Thờ, ông Ét-ra long trọng đọc lại Luật Mô-sê (x. Nkm 8).

Như vậy, Ngũ Thư chiếm vị trí đặc biệt, làm điểm quy chiếu cho tất cả các sách Ngôn Sứ và các sách khác của Cựu Ước. Trong Ngũ Thư, bốn cuốn sau có vẻ như một bộ sách về “cuộc đời và hoạt động của ông Mô-sê” : Xh 2 kể việc ông sinh ra, Đnl 34 kể cái chết của ông. Mọi hoạt động của ông là để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Ít-ra-en. Sách Sáng thế đứng đầu như một phần nhập đề, kể về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc dân Ít-ra-en.

Chúng ta có thể diễn ta tương quan giữa Ngũ Thư và các sách khác của Cựu Ước bằng hình ảnh này : ông Mô-sê (Ngũ Thư) ngồi ở chiếu thứ nhất, quay mặt xuống, các ngôn sứ (trước và sau) ngồi ở chiếu thứ hai quay mặt lên ; “các sách khác” ngồi ở chiếu thứ ba cũng quay mặt lên, nhìn vào các ngôn sứ và ông Mô-sê.

Nhưng khi Đức Giê-su xuất hiện, ta mới biết rằng “Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh vịnh” đều nói về Đức Giê-su (x. Lc 24,44 ; Ga 5,39.46 ; 1 Pr 1,10-12). Khi Đức Giê-su hiển dung trên núi, hai ông Mô-sê và Ê-li-a (tiêu biểu cho các ngôn sứ) đến “chầu” (x. Mt 17,3). Sau đó, Đức Giê-su cho biết công việc mà Ml 3,23-24 loan báo về ông Ê-li-a ; công việc ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đã làm (Mt 17,9-13).

Ngũ Thư đối với Ki-tô hữu

  1. Ngay trong các sách Tân Ước, ta đã thấy “Luật Mô-sê và các ngôn sứ” được coi là những sách loan báo trước về mầu nhiệm Đức Ki-tô và đời sống Ki-tô hữu.

Các sách Tin Mừng và sách Cv đều cho thấy mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô là sự thực hiện mọi lời Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ của Ít-ra-en : Mt với “gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” ; Mc ám chỉ Đức Giê-su Ki-tô là khởi nguyên mới và A-đam mới ngay ở chương mở đầu ; Lc với gia phả ở ch. 3 và công thức “ông Mô-sê và các ngôn sứ” ở ch. 24 ; Ga với lời tựa “lúc khởi đầu” ; với những lời Đức Giê-su khẳng định “ông Mô-sê đã viết về tôi” ; “Tôi hằng hữu” (egô eimi) ; với cách khẳng định Đức Giê-su là man-na đích thực, là nước mạch ; với cách so sánh Đức Giê-su với con rắn đồng ông Mô-sê đã giương cao trong hoang địa ; Cv cũng trình bày Đức Giê-su Ki-tô là sự kiện toàn lời Thiên Chúa đã dùng miệng ông Mô-sê (3,22), miệng các ngôn sứ (3,18) mà phán, lời Thiên Chúa đã hứa về việc Đức Giê-su sống lại (13,32-33).

Đối với đời sống Ki-tô hữu, Đức Giê-su chấn chỉnh Luật Mô-sê, ban “điều răn mới”, ra lệnh cho các tông đồ “dạy bảo muôn dân tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền”. Đức Giê-su đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn Luật Mô-sê (Mt 5,17). Thánh Phao-lô nhắc lại chuyện vượt qua Biển Đỏ và hành trình qua hoang địa để kết luận : “Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này” (1 Cr 10,1-11).

Như vậy, chính các sách Tân Ước đưa chúng ta quay về Ngũ Thư để hiểu mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô là “Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3,15), là “Thủ Lãnh và Đấng Cứu Độ” chúng ta (x. Cv 5,31) và rút những bài học cho cuộc sống Ki-tô hữu.

  1. Các giáo phụtừ những thế kỷ đầu đã tiếp tục triển khai cách đọc Ngũ Thư và Cựu Ước do chính các sách Tân Ước khởi xướng. Đặc biệt trường phái A-lê-xan-ri-a dẫn đầu trong cách đọc theo nghĩa tượng trưng và đã ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thể các nhà thần học cho tới thời cận đại. Trường phái An-ti-ô-khi-a chủ trương đọc theo nghĩa đen đã mai một sớm.

Thời trung cổ, người ta đã phân biệt bốn ý nghĩa :

littera gesta docet (mặt chữ dạy cho biết sự việc)

quid credes allegoria (nghĩa tượng trưng dạy cho biết điều phải tin)

moralis quid agas (nghĩa luân lý dạy cho biết việc phải làm)

quid speres anagogia (nghĩa thần bí dạy cho biết điều phải hy vọng)

Sự phát triển của khoa nghiên cứu Sách Thánh hai thế kỷ gần đây lại đưa tới hai thái cực : những người khởi xướng và phát triển phương pháp “phân tích theo lịch sử”, coi như mỗi bản văn chỉ có một ý nghĩa phải tìm qua việc truy tầm quá trình phát sinh của bản văn và những bối cảnh. Còn những lý thuyết chú giải mới đây lại coi bản văn như một hệ thống tự tại làm nảy sinh ý nghĩa, không cần quy chiếu lịch sử và bối cảnh phát sinh của nó.

  1. Ki-tô hữu hôm nay có thể tìm kiếm gì khi đọc Ngũ Thư ?

Ngũ Thư xuất hiện như hiến pháp của dân Chúa trong thời cuối của Cựu Ước. Lịch sử cho họ biết họ là ai và luật lệ cho họ biết họ phải sống như thế nào. Lịch sử ấy đã đạt tới tột đỉnh trong Đức Giê-su Ki-tô, khởi đầu mới của lịch sử, của thời sau hết. Luật lệ đã được Đức Giê-su Ki-tô kiện toàn và giao cho các tông đồ công bố. Luật của chúng ta là chính Đức Ki-tô : cả đời sống chúng ta là “nên đồng hình động dạng với” Đức Ki-tô (Pl 3,10.21), “mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3,27), mang lấy “những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,5), sống như Ngài đã sống (1 Ga 2,6). Chính Thánh Thần mà Đức Ki-tô Giê-su đã nhận được và đổ xuống trên chúng ta (Cv 2,33), làm cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha (Gl 4,6), biết “Đức Giê-su là Chúa” (1 Cr 12,3) và dẫn dắt chúng ta sống làm “con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Vậy chúng ta còn cần đến Ngũ Thư nữa không ?

Lịch sử mà Ngũ Thư trình bày không phải là lịch sử theo nghĩa thực nghiệm ngày nay, nhưng là lịch sử của mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người : Thiên Chúa tập cho con người làm quen với Thiên Chúa, với sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ của con người. Lịch sử ấy đạt đến tột đỉnh với mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, cắm lều giữa chúng ta để làm quen với cuộc sống con người và “phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (x. Hr 5,8-9). Và hôm nay Người ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế để đưa chúng ta đến nơi Người ở và cho chúng ta ở với Người mãi mãi. Vậy, từ đầu đến cuối lịch sử vẫn liên tục : từ trời đất đã được tạo thành đến trời mới đất mới. Và Sách Thánh cũng liên tục : từ sách Sáng thế đến sách Khải huyền. Luật lệ của Ngũ Thư giúp ta thấy quá trình giáo dục và sư phạm của Thiên Chúa đối với loài người và nỗi khó khăn của con người để học biết Thiên Chúa và biết cư xử với nhau như con người và đón nhận thế giới thụ tạo như quà tặng của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa làm gương cho con người bằng cách tỏ bày lòng nhân hậu của Người, trước khi dạy con người phải sống yêu thương và nhân hậu với nhau. Tột đỉnh của mẫu gương và lời dạy là khi Con Thiên Chúa làm người và sống trọn kiếp người để có thể nói với chúng ta : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy … Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,9.12).

Lễ tế duy nhất của Đức Giê-su Ki-tô đã đem lại ơn cứu độ, làm cho các lễ tế của Cựu Ước không còn chỗ đứng : “Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới” (Hr 10,9). Nhưng Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa và những đòi hỏi về sự thanh sạch và thánh thiện ở phía con người vẫn còn đó. Chính vì thế mà Công Đồng dạy : “Các Ki-tô hữu phải thành kính đón nhận các sách Cựu Ước, vì chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Người, những tư tưởng khôn ngoan và hữu ích về đời sống con người, những kho tàng kinh nghiệm tuyệt diệu, và sau cùng ẩn chứa mầu nhiệm cứu độ chúng ta” (MK 15).

 

Phát Thanh Kinh Thánh 100 Tuần

Phát Thanh Tân Ước

Phát Thanh Cựu Ước

Phát Thanh

Tân Ước

Cựu Ước

Quê Hương của Tổ phụ Ab-ra-ham

Thánh kinh ghi rằng gia đình tổ phụ Ab-ra-ham xuất phá từ thành phố có tên là Ur ở Iraq.

Mộ các Tổ phụ Ab-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp

Mộ của các tổ phụ Do thái ở Heb-ron, Do thái.  Phẩn mộ trong hang Mac-be-la được Ab-ra-ham mua.  Nơi đây có mộ của Ab-ra-ham và bà Sa-ra, I-sa-ác và bà Re-béc-ca, Gia-cóp và bà Lê-a.